Đối với một văn phòng làm việc mới thành lập, thiết kế, trang trí nội thất là một trong những bước hoàn thiện cuối cùng để đưa văn phòng vào sử dụng. Tuy nhiên, đây cũng là công việc quan trọng nhất bởi nó quyết định chủ đề, tính thẩm mỹ cũng như phân bố vị trí công năng văn phòng làm việc. Tuy nhiên, có thể vô tình hoặc làm theo sở thích mà khi bố trí phòng làm việc của mình, rất nhiều nhà quản lý phạm phải những sai lầm từ nhẹ cho đến nặng trong thiết kế nội thất không gian làm việc. Những sai lầm đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hay tiến độ công việc, tính thẩm mỹ hoặc trừu tượng hơn là tài lộc, vượng khí của công ty. Vậy đâu là những sai lầm dễ mắc phải khi thiết kế văn phòng làm việc và hướng giải quyết nó như thế nào?
Lựa chọn vật liệu thiết kế nội thất chưa phù hợp.
Đây là một vấn đề rất thường gặp phải ở những đội ngũ khởi nghiệp, những người ít tiếp xúc với thiết kế nội thất hay những nhà quản lý mới vào nghề. Thông thường, vật liệu thiết kế nội thất văn phòng thường được lựa chọn dựa vào rất nhiều những yếu tố khách quan bao gồm: Diện tích văn phòng, lượng ánh sáng tự nhiên hiện hữu, chiều cao văn phòng, vị trí cửa sổ và cửa ra vào, công năng sử dụng của không gian làm việc… Với mỗi sự biến thiên của các yếu tố trên, ta sẽ đưa ra được một sự lựa chọn vật tư, vật liệu thiết kế sao cho phù hợp.
Bạn không thể lựa chọn vách thạch cao phân chia không gian làm việc dành cho những văn phòng có diện tích khiêm tốn bởi nó sẽ ngốn thêm rất nhiều diện tích. Thay vào đó, các vách ngăn cách bằng kính hay bình phong giấy, tre, nứa… sẽ là những vật liệu phù hợp hơn cả.
Đối với những văn phòng có diện tích rộng và trần thấp, nếu bạn sử dụng vách kính thì không những nó tạo ra sự lạc lõng mà nó còn gây cảm giác lạnh lẽo, hiu quạnh cho không gian làm việc. Ở đây, những vách tường thạch cao lại là những vật liệu tạo không gian riêng tốt nhất.
Tương tự như thế, không gian phòng giám đốc hoặc lãnh đạo cần sự riêng tư lớn cũng như sự sang trọng. Vách thạch cao kết hợp với ốp sàn bằng gỗ sẽ tốt hơn rất nhiều những vách nhựa mica hay sàn nhà bằng đá tự nhiên.
Không xác định được chủ đề hay xu hướng thiết kế văn phòng.
Chủ đề hay xu hướng thiết kế văn phòng cũng tương tự như logo thương hiệu của một đơn vị hay một công ty vậy. Nó chính là bộ mặt của đơn vị đó khi tiếp những vị khách đến chơi hoặc ký kết hợp đồng làm việc. Văn phòng có được một chủ đề hợp lý, một cách thiết kế tinh tế sẽ để lại một ấn tượng rất sâu sắc đối với những đối tác ghé thăm, và nó cũng là một trong những yếu tố giúp cho những vị khách kia trở lại hợp tác cùng đơn vị của bạn. Thiết kế nội thất văn phòng cũng là một thước đo để so sánh sự chuyên nghiệp giữa đơn vị này và đơn vị khác.
Tuy nhiên, nếu không có được sự gợi ý của những đơn vị tư vấn hay có một chút kinh nghiệm trong mảng thiết kế thì rất khó để một người quản lý chọn được một chủ đề hay một xu hướng thiết kế phù hợp với diện tích, tính chất cũng như hài hòa về công năng sử dụng cho văn phòng của mình. Do vậy, nếu bạn chưa có hướng thiết kế cho văn phòng của mình, hãy xin ý kiến của những kiến trúc sư thiết kế nội thất để có được một không gian làm việc phù hợp.
Không xác định được vị trí và số lượng không gian cần sử dụng
Một văn phòng làm việc hoàn hảo là một văn phòng không những tạo sự thoải mái trong hoạt động, giao tiếp của nhân viên mà nó còn phải phân chia đầy đủ không gian phù hợp với công năng sử dụng. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng dễ dàng xác định được số lượng không gian mình cần cũng như bố trí không gian như thế nào cho hợp lý, dễ dàng và thuận tiện.
Để không rơi vào trường hợp bố trí quá nhiều hoặc quá ít không gian làm việc, trước tiên, bạn cần phải đưa ra được số lượng không gian tối thiểu tương ứng với những không gian không thể thiếu. Những không gian không thể thiếu của một văn phòng bao gồm: Phòng họp, phòng làm việc và khu vệ sinh nếu là một đơn vị mới thành lập. Nếu công ty có cơ cấu lớn hơn thì cần một không gian riêng dành cho lãnh đạo… Sau đó, bạn sẽ từ từ lên danh sách những không gian cần thiết thứ 2, thứ 3… Từ đó, bạn sẽ dễ dàng hơn để phân tách văn phòng mà không rơi vào trường hợp thừa hoặc thiếu không gian làm việc.
Nguồn: Đỗ Tú | 5Office.vn